Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ thăm chính thức Nga theo lời mời của Thủ tướng Dmitry Medvedev từ ngày 20/5 đến 23/5. Thủ tướng và phu nhân sau đó thăm chính thức Na Uy ngày 24-26/5 và Thụy Điển ngày 26-28/5.
Trong bài viết đăng tải trên trang mạng của Hãng thông tấn Nga IA REX, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học Á-Âu Grigory Trophimchuk, đánh giá, chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam hết sức có ý nghĩa đối với quan hệ hai nước, điểm nhấn trong chuyến thăm này là Thủ tướng hai nước sẽ khai mạc Năm chéo Việt-Nga nhân kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước những nguyên tắc cơ bản về quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Đánh giá cao vị thế, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Theo ông Trophimchuk, Việt Nam và Nga có quan hệ truyền thống hữu nghị, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất ký kết quan hệ hợp tác đặc biệt với Nga.
Việt Nam đã đạt tăng trưởng kinh tế đáng nể và hiện đang ngày càng gia tăng hoạt động hợp tác quốc tế. Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên ký kết thoả thuận tham dự Khu vực thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu, là cầu nối để Liên minh hội nhập ngày càng sâu rộng hơn tại Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á nói chung.
Năm 2012, hai nước ký thỏa thuận nâng tầm quan hệ chiến lược lên mức chiến lược toàn diện. Cũng trong năm này, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh về việc Việt Nam là đối tác chiến lược của Nga tại châu Á, ngang hàng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Với vị thế, khả năng và uy tín của mình, Nga là nhân tố quan trọng không chỉ về chính trị mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tương lai của khu vực. Một trong những vấn đề cần phải được đặt vào trọng tâm chú ý đó là tranh chấp trên biển biển Đông.
Nga luôn có quan điểm nhất quán trong vấn đề này, đó là phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Đây là nền tảng pháp lý để củng cố hoà bình và ổn định, tự do thương mại và hàng hải.
Hiện nay khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung đang có vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế của Nga. Và Việt Nam là đối tác tin cậy của Nga trong khu vực. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động hiện nay càng đặt ra yêu cầu với hai nước cần phải tiếp tục tăng cường hợp tác hữu nghị chặt chẽ trên mọi mặt, trong các lĩnh vực chính trị ngoại giao, kinh tế-thương mại, kỹ thuật quân sự, công nghệ cao, khoa học, giáo dục, văn hóa.
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp ứng các mục tiêu và lợi ích cốt lõi của cả hai nước. Việc phát triển, củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sẽ là một trong những định hướng then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga, hướng tới bảo đảm hòa bình và an ninh và củng cố vị thế của Nga tại Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Bình luận